CẨM NANG KEYFORGE

CẨM NANG KEYFORGE

Keyforge là một card game cực kỳ thú vị với yếu tố giải quyết tình huống cực mạnh trong mỗi ván đấu. Người ta thường so sánh các lượt của Keyforge với việc giải puzzle. Người chơi sẽ phải tính để tối ưu lượt đánh của mình và tìm đến chiến thắng. Mỗi sai lầm trong lượt đều để lại hậu quả không hề nhỏ. Vậy nên mình sẽ nói về những điều mà một người chơi nên lưu tâm, để có thể chơi tốt hơn, hy vọng có thể hỗ trợ mọi người trong hành trình forge key.

BIẾT MÌNH BIẾT TA (Hoặc tầm quan trọng của việc hiểu deck chính mình)


Do yếu tố đặc thù của Keyforge về chuyện không thể build deck, thật khó để có một người chơi khác có thể chỉ cho bạn cách chơi deck của chính bạn. Bởi vì chỉ có một mình bạn có deck như thế. Vậy nên, bạn sẽ phải tự hiểu deck của mình trước khi cần quan tâm đến những điều khác. Và để làm được điều đó, lời khuyên tốt nhất mình có thể đưa ra là: đánh deck của mình thật nhiều, đánh liên tục, đánh với nhiều deck khác nhau, nhiều đối thủ khác nhau. Chỉ khi trải qua thực chiến thật nhiều mới khiến bạn hiểu rõ những gì deck của bạn có thể làm, điểm yếu và điểm mạnh, cũng như những điều cần lưu ý trước các đối thủ khác nhau.
Deck ở Keyforge cũng giống như một món vũ khí vậy. Sẽ có những vũ khí tốt hơn những món khác, nhưng chỉ trong tay những người chơi giỏi nó mới thực sự tỏa sáng. Một người chơi giỏi cũng có thể khiến những deck bình thường mạnh mẽ hơn. Nhưng mình sẽ không phủ nhận chuyện một deck mạnh sẽ luôn tốt hơn. Vậy bạn cần lưu tâm đến những điều gì trong một deck của mình để có thể sử dụng tốt nó?
– Khả năng kiếm aember: Cho dù thế nào đi chăng nữa, Keyforge vẫn là một game kinh tế. Thế nên việc một deck có khả năng kiếm aember tốt vẫn sẽ luôn có lợi. Có một cách cơ bản để biết deck của bạn có kiếm aember tốt hay không đó là đếm số aember trên card của bạn. Bạn có thể hiểu nếu bạn chạy hết deck của mình thì bạn sẽ kiếm được số aember đó chưa tính đến aember từ các nguồn khác như reap. Một deck có sẵn 18 dấu aember sẽ có tiềm năng forge 3 key chỉ bằng đánh hết bài xuống.
– Khả năng chặn aember: Đối nghịch với việc kiếm aember, chặn aember của đối thủ cũng quan trọng không kém. Cản aember thì khó để nhận biết độ hiệu quả hơn, thường sẽ có 3 loại chặn aember cơ bản: những card có thể chặn ít, những card ảnh hưởng tới keycost và những card aember swing (lật kèo aember). Loại thứ nhất sẽ gồm các loại capture aember, steal, hủy aember. Loại thứ 2 tăng keycost, cấm forge key,.. và loại thứ 3 sẽ gồm những thứ như Too much to project, Graft,… Nhưng chỉ có chơi nhiều deck mình thì mới thực sự biết độ hiệu quả của khả năng chặn aember deck mình.
– Khả năng chạy bài: Là một card game có thể cycle deck (xào lại deck khi hết), Keyforge cũng nhấn mạnh vào khả mạnh chạy deck nhanh để tìm các key card, hoặc kiếm aember,…Theo thống kê của các giải thế giới, một deck mạnh sẽ có thể đánh trung bình 3 card trong một lượt bất kể tình huống và những deck càng mạnh sẽ càng có thể đánh nhiều card một lượt hơn. Cũng như trong yếu tố khả năng kiếm aember, nếu deck của bạn có 18 dấu aember nhưng bạn không thể chạy hết deck thì số aember đó bạn cũng sẽ không kiếm được. Để xác định độ nhanh của deck mình, một deck keyforge thường có 2 loại tốc độ: draw và archive. Draw của Keyforge không mạnh như ở các card game khác, bởi khi bạn draw ra 1 lá bài không thuộc về nhà bạn đang chọn, độ hiệu quả của draw sẽ giảm đi. Trái ngược lại, archive tuy không cho bạn khả năng sử dụng card đó ngay, nhưng sẽ hiệu quả hơn draw khi cho bạn lựa chọn trong các lượt tương lai. Và cũng lưu ý, giá trị của draw sẽ tăng lên với mỗi draw trong lượt và giá trị của archive sẽ giảm đi với mỗi archive tiếp sau đó (phần này cần một nội dung riêng nên mình tạm bỏ qua).
Ngoài ra một deck Keyforge còn rất nhiều yếu tố khác nữa ví dụ khả năng kiểm soát Artifact, số keycheat, khả năng kiểm soát bàn,… nhưng về cơ bản bạn có thể bắt đầu với việc làm quen deck mình bằng những kiến thức bên trên. Sau khi trải qua rất nhiều ván đấu, bạn sẽ có thể hiểu những phần còn lại của deck.

CÁC LOẠI DECK CỦA KEYFORGE

Tuy Keyforge không có deck building, tức là định nghĩa loại deck sẽ không thể chính xác 100% bởi vì đa phần các deck đều sẽ có nhiều yếu tố trong đó. Nhưng một cách nào đó, chúng ta vẫn có thể phân deck theo các loại nhất định dựa theo lối chơi và mục tiêu thắng của nó.
– Rush: Loại deck này ở các card game khác sẽ được gọi là Aggro. Lối chơi của nó khá đơn giản, áp lực đối thủ liên tục bằng cách kiếm aember liên tục. Một deck rush tốt sẽ có thể kiếm đủ aember cho 3 key mà không cần phải reap một con quái nào cả.

Một deck rush điển hình của mùa 1. Với combo Untamed Full Moon, Hunting Witch, Dust Pixie, Nature’s Call, chỉ với 6 card có thể kiếm tối đa 26 aember. Và kể cả 2 nhà còn lại của deck này đều có thể kiếm aember rất tốt, ví dụ như Urchin, Relentless Whispers, Wild Wormhole hay Dr.Escotera.

– Combo: Combo khó để nhận ra hơn vì đa phần mọi deck Keyforge đều có những combo nhất định. Tuy nhiên những deck combo thuần chủng sẽ thắng bằng những combo chúng có. Deck combo thường sẽ luôn ở trong thế thua so với địch, ưu tiên các lượt để setup cho một lượt combo hoàn hảo và những combo mạnh hoàn toàn có thể lật bàn chiến thắng chỉ cần địch vẫn chưa thắng.

Một ví dụ của deck Combo. Với bộ đôi Genka nổi tiếng, deck có tiềm năng có thể forge 2 key trong một lượt không quá khó khăn và phần còn lại của deck phục vụ cho việc câu giờ/tìm kiêm card để cho combo Genka đó.

– Control: Control nói chung cũng có thể chia làm nhiều loại nhỏ. Bạn kiểm soát board, bạn kiểm soát aember của địch, bạn kiểm soát khả năng đánh bài của địch, đều là một dạng control. Phong cách đánh của loại deck này thường sẽ rất chậm, hạn chế lối đánh của địch và dần dần vượt tài nguyên của địch. Càng về sau giá trị của từng card của bạn vượt qua địch, dẫn đến chiến thắng.

Đây là một deck control điển hình. Với khả năng cản đến từ cả Dis và Sanctum trong khi Logos hỗ trợ việc tạo lợi thế về card. Cùng với 2 key cheat, đây là một deck mà game càng kéo dài sẽ càng có lợi.

– Tempo: Tempo rất khó để có thể định hình chính xác nó ở Keyforge. Nhưng mình đánh giá một deck được gọi là Tempo khi nó có thể dễ dàng đánh mọi card trong deck của nó xuống, luôn tạo ra áp lực cho đối thủ và nhiều khả năng có thể trả lời được các mối đe dọa đối thủ đưa ra. Một deck tempo sẽ ổn định và luôn áp lực cho đối thủ dù ở giai đoạn nào của trận đấu.

Gần như mọi card trong deck này đều có thể cycle thoải mái và với khả năng chạy deck tốt, bạn có thể bốc lại được những card đó sớm (dù tempo thường sẽ không kéo dài game sau 1 cycle deck). Áp lực tạo ra từ cả 3 nhà.

Ngoài 4 loại deck mình kể ở trên, mình nghĩ còn có thể tính thêm một số loại nữa nhưng như mình đã nói, định nghĩa loại deck rất khó ở Keyforge. Với 4 lối chơi cơ bản trên, mình hình thành ra 4 loại deck ở Keyforge.

BIẾT MÌNH BIẾT TA PHẦN 2 (Hay còn là cách đọc deck của đối thủ)


Trừ khi trong các thể thức như seal nơi luật không cho phép bạn biết trước deck của đối thủ, nghiên cứu deck của đối thủ là điều cần thiết. Cơ mà trước khi bắt đầu vào chi tiết cách thức đọc deck của đối thủ, yếu tố quan trọng nhất cần có đó là bạn phải biết card cái đã. Nếu bạn đọc vào deck list và bạn không hiểu card này là gì thì cũng hơi khó để phân tích deck địch. Và để biết card thì lại có 2 cách: lên một trang web nào đó như DoK để đọc card và cách thứ 2 là chơi thật thật nhiều. (Thật ra trong các thể thức vui vẻ, việc đọc cụ thể card của deck địch vẫn được cho phép nhưng sẽ tốn thời gian hơn nên nếu được bạn vẫn nên nghiên cứu trước).
Khi đọc deck đối thủ, bạn cần lưu ý đến những yếu tố sau:
– Lối đánh và điều kiện thắng của địch: Dựa vào 3 yếu tố chính để xem xét deck mình trong mục trước, bạn cũng có thể áp dụng vào phần này để hiểu sơ mục tiêu của deck địch. Deck địch sẽ có nhiều loại (thuộc về phần phân tích từng loại deck trong keyforge) nhưng cơ bản sẽ có 3 cách thắng chính: kiếm nhiều aember hơn địch, đánh chậm và kiểm soát đối phương rồi dần dần thắng sau khi đã vượt tài nguyên đối thủ, tìm kiếm một combo nào đó và thực hiện nó. Sau khi biết được lối đánh của địch, bạn sẽ có thể tưởng tượng trong đầu cách đối phó đối thủ với deck của mình.
– Các keycard của địch thủ: Đây là thứ sẽ cần lưu ý sớm khi nhìn vào deck list của đối thủ. Có thể bạn sẽ chưa nhìn ra ngay combo của deck địch khi bạn chưa đủ kinh nghiệm chơi Keyforge, nhưng để nhìn ra các key card lẻ của địch lại không quá khó. Key card cần để ý sẽ thuộc một số thể loại như sau:
+ Card kiểm soát artifact. Nếu deck bạn có nhiều artifact mạnh mẽ thì bạn cần quan tâm đến yếu tố này, còn nếu không thì bạn có thể bỏ qua luôn. Ngược lại nếu bạn có các card kiểm soát artifact (hoặc không), bạn cũng nên xem địch có thể làm gì với artifact của họ.
+ Dọn board. Yếu tố này quyết định xem khi nào thì bạn sẽ dàn board của mình ra thêm hoặc lúc nào thì tập trung đánh lúc nào tập trung reap. Khi địch vẫn chưa xuất hiện dọn board thì bạn nên cẩn thận với board của mình, không nên quá dàn trải thoải mái.
+ Key cheat. Key cheat giúp đối phương thắng trong lượt, bạn nên để ý để gây khó khăn cho nó. Đầu tiên bạn cần xác định xem key cheat đó có thể thực hiện trong deck địch không (vì không phải keycheat nào cũng dễ dùng) và nếu dùng được thì điều kiện của nó như thế nào.
+ Các card có khả năng lật kèo: ví dụ như Too much to Protect, Graft,… Thậm chí những card như Ronnie cũng cần phải lưu tâm. Cho đến khi các card này còn trong deck địch thì nó sẽ hạn chế lối chơi của bạn. Một số card khác như City-state Interest tuy không giúp địch chiến thắng nhưng vẫn là những loại card có khả năng cản mạnh cũng nên cần lưu tâm để chuẩn bị câu trả lời cho nó. Nhưng card nằm trong mục này có rất nhiều mình không thể liệt kê ra hết được nên lại một lần nữa chỉ có trải qua thật nhiều trận Keyforge bạn mới có thể biết hết những card cần lưu tâm.
Ở trên là kiến thức cơ bản để có thể đọc deck địch, sẽ còn nhiều yếu tố khác nữa nhưng kinh nghiệm sẽ là câu trả lời tốt hơn cho bạn.


BIẾT MÌNH BIẾT TA PHẦN 3 (Hay còn gọi là kiểm soát bài discard sẽ dẫn đến chiến thắng như thế nào)


Nói dối đấy việc kiểm soát discard chỉ giúp game của bạn dễ dàng hơn thôi còn thắng không thì chưa chắc. Cơ mà nó vẫn là một yếu tố rất quan trọng. Ở bước đầu, đọc discard sẽ giúp bạn biết deck bạn còn lại gì và deck địch còn lại gì. Vì discard có thể được xem thoải mái nên bạn cứ tận dụng điểm này thay vì phải cố nhớ.
Và 2 yếu tố quan trọng bạn có thể rút ra sau khi nghiên cứu discard là gì:
+ Hỗ trợ lựa chọn nhà tốt hơn. Không ai muốn tay của mình cầm 2/2/2 (2 card mỗi nhà) cả vì nó thường sẽ không tối ưu được lượng card sử dụng cũng như lượng aember kiếm được. Trong một trận đấu mà đối phương 1 lượt đánh 3 và chúng ta đánh 2 thì sau vài lượt đối thủ sẽ hoàn toàn vượt tài nguyên của chúng ta. Một ví dụ như thế này: nếu tay bạn có 3 lá nhà Shadows và 3 lá nhà Untamed, tuy nhìn qua thì sẽ không khác nhau (tạm thời bỏ qua các yếu tố tình huống trên bàn) nhưng nếu trong deck của bạn vẫn còn 8 lá Shadows và 2 lá Untamed thì tỷ lệ bạn chọn Shadows để đánh 3 card sẽ không giúp ích cho lượt Untamed sau đó, nhưng ngược lại bạn chọn Untamed thì lượt sau có khả năng bạn sẽ có một lượt Shadows mạnh mẽ hơn. Đương nhiên điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, và mỗi tình huống sẽ có những cách xử lý khác nhau nhưng về cơ bản việc xem discard sẽ hỗ trợ cho bạn có những lượt đi tối ưu hơn.
+ Đoán lượt đi của đối thủ. Thông thường ai cũng biết nếu đối phương vừa đánh 3-4 card của một nhà trong lượt này thì lượt sau họ ít khi chọn lại nhà này. Và việc xem deck địch còn những gì sẽ còn giúp bạn đoán trước được lượt tiếp theo địch sẽ chọn nhà nào để có thể chuẩn bị những câu trả lời cho nó.


MULLIGAN


Mulligan ở Keyforge giúp bạn tìm kiếm một hand hoặc một card tốt hơn với cái giá là rút ít đi một lá. Nhưng ở một game như Keyforge khi mà bạn được rút bài cho đủ hand vào cuối lượt thì việc rút đi 1 lá không phải là vấn đề gì lớn lao cả. Nên mình khuyến khích là nếu các bạn cầm lên một hand khiến bạn phân vân thì bạn nên mulligan luôn.
Một hand như thế nào thì nên Mulligan? Câu trả lời đầu tiên khá dễ, đó là một hand xấu. Bạn mở lên một hand 2/2/2, hoặc bạn mở lên một hand không có card cho bạn đánh ở lượt đầu hiệu quả. Thì bạn mulligan.
Ở các kèo đấu cao hơn, một hand không xấu cũng chưa chắc là một lựa chọn đúng. Nếu sau khi bạn đã xem xét deck địch (ở mục trên) và biết địch có thể có những opening hand mạnh mẽ thế nào hoặc có những key card nào thì bạn sẽ phải suy nghĩ đến việc tìm các câu trả lời cho chúng. Ví dụ địch đi trước và có Duskwitch, bạn nên xem xét chuyện mulligan tìm các card có ping damage để giải quyết, hoặc deck địch có Dark Aember Vault thì bạn cần tìm Artifact Control. Một số key card trong keyforge có thể đem lại chiến thắng luôn nếu không có cách xử lý chúng nên việc mulligan tìm câu trả lời rất quan trọng. Nhưng cũng cần nhấn mạnh, ở Keyforge, việc tìm câu trả lời đúng lúc luôn quan trọng hơn là cầm câu trả lời trên tay. Phần này kinh nghiệm sẽ trả lời cho bạn tốt hơn khi chủ của deck là bạn. Còn việc deck địch có gì để cần mulligan thì hãy xem phần phân tích deck địch ở trên.
Sau đây là tỷ lệ rút card trong giai đoạn mulligan, phần này thì mình copy luôn từ Archon-Arcana luôn :)) Phần này hơi cao cấp nên chỉ có giá trị tham khảo. Không phải người chơi nào cũng hợp với lối chơi này :))

Tỷ lệ hand đầu của người đi trước
Tỷ lệ hand sau khi người đi trước mulligan, hoặc hand của người đi sau
Tỷ lệ hand của người đi sau sau khi mulligan

Bảng phía dưới sẽ thể hiện cho việc tỷ lệ bốc được card như thế nào nếu card đó có bao nhiêu copy trong deck. Ví dụ nếu bạn có 3 con Urchin trong deck thì tỷ lệ rút được ít nhất 1 Urchin trong 7 lá đầu tiên là 48.82% Nếu bạn mulligan để không phải gặp Urchin nữa thì tỷ lệ bạn rút lên lại ít nhất 1 lá Urchin là 43.14%. Tương tự nếu bạn đi sau và Urchin không có trong 6 lá đầu tiên thì 37.04% nó sẽ xuất hiện nếu bạn mulligan.

Một câu hỏi cũng quan trọng khi bạn quyết định mulligan: nếu tôi không muốn rút lá này ở đầu game thì tỷ lệ tôi sẽ rút lại nó như thế nào sau khi mulligan. Bảng phía dưới sẽ trả lời cho bạn câu hỏi đó. All Unique nghĩa là trong deck của bạn không có copy trùng. 2 sets of 2 cards là bạn có 2 cặp trùng nhau trong khi số còn lại chỉ có 1 copy. 1 set of 3 cards là trong deck có 1 bộ 3 card giống nhau và phần còn lại chỉ có 1 copy.

TỐI ƯU HÓA MỘT LƯỢT

Qua được phần xác suất thống kê số má vl rồi. Phần này thì đơn giản thôi. Thuật ngữ delta dùng để chỉ điểm hiệu quả trong một lượt đi, mà ở đó trong lượt delta 2 có nghĩa là bạn kiếm được 2 aember. Phần này thực tế thì chỉ tương đối thôi, vì ở mỗi tình huống khác nhau và chỉ trong các tình huống đó thôi, sẽ có những cách xử lý khác nhau và chỉ số chỉ có thể dùng để tham khảo.
Nếu trong một lượt bạn có thể kiếm được 3 aember thì đó là một lượt tạm ổn (không tính delta của đối thủ). Trong quá trình chơi Keyforge, bạn sẽ chứng kiến nhiều deck có thể làm được nhiều hơn thế. Nếu lượt đó bạn không dùng để kiếm aember, thì bạn nên dùng để giảm delta của đối thủ. Một ví dụ địch có 4 con quái 1 nhà trên sân và bạn đoán khả năng cao địch sẽ tiếp tục chọn nhà đó và reap thì sau đó bạn chọn Dis, đánh gateway và thả chỉ con quái xuống cũng là một lựa chọn tốt bởi vì địch sẽ không thể chọn lại nhà đó hoặc sẽ phải đầu tư lại một board khác (giảm delta 4+ của địch xuống).
Thường thì những người mới chơi khi được chỉ chơi Keyforge sẽ được khuyên nên chọn nhà có nhiều lá bài đó trên tay. Cách đánh này không hề sai, nhưng khi đánh lên cao, nó không phải là lúc nào cũng đúng. Vì nó sẽ còn phụ thuộc vào tình trạng của bàn và các yếu tố khác nữa. Để dễ hiểu, mình sẽ đi thẳng vào một ví dụ.
– Trên tay bạn đang có 2/2/2 ở lượt 1 (đi sau) và đây là một trong những hand xấu nhất có thể.

Trong tình huống này mới nhìn qua thì Mind Barb và Lash of Broken Dreams có vẻ là một lựa chọn tốt. Bạn vừa phá hand đối thủ, vừa setup cho một artifact tốt trong tương lai. Nhưng nếu bạn sau đó tiếp tục rút ra 2 lá bài dis thì lượt sau của bạn thật tệ. Nên ở trong tình huống này, chọn Brobnar và đánh Valdr cùng Krump là một lựa chọn an toàn hơn. Trong trường hợp bạn tiếp tục rút lại 2 lá Brobnar. Bạn vẫn có thể tiếp tục chọn Brobnar, đánh 2 lá bài trên tay và sử dụng 2 quái trên bàn. Như vây bạn sẽ tối ưu hóa được 2 lượt liên tiếp.

Một tình huống thường thấy ở lượt đầu mà người mới chơi hay gặp. Trong trường hợp hand này, bạn có thể mulligan hoặc giữ lại đều được. Nhưng mình hay thấy mọi người thường sẽ chọn Logos và đánh lá bài lẻ của 1 nhà ra (có thể là Auto-Encoder, cũng không tệ, hoặc là bất kỳ lá bài nào khác). Mọi người sẽ thường nghĩ là lượt sau chọn Untamed hay Dis đều có thể đánh 3 lá thì tốt hơn. Nhưng thật ra, nếu ở lượt 1 bạn chọn Dis và đánh Techno-Fiend. Tuy sau đó ở lượt tiếp theo, bạn sẽ chỉ có 2 lá bài Dis thôi nhưng Techno-fiend của bạn có thể được sử dụng để fight hoặc reap (có effect). Về cơ bản, nó sẽ là đánh 2 bài và sử dụng 1 lá, hiệu quả đem lại gần như luôn tốt hơn là đánh 3 lá và không dùng lá bài nào trên sân.
Để tối ưu hiệu quả một lượt của mình, bạn sẽ không nên chỉ nhìn vào hand của mình nữa mà phải luôn tính đến cả bài trên bàn nữa. Nhiều người chơi hay mắc lỗi này và sẽ tập trung vào hand của mình quá nhiều. Cách đó, đôi khi vẫn hiệu quả, đặc biệt là trong mùa 1. Nhưng nó dễ khiến bạn đầu tư quá nhiều để rơi vào câu trả lời của đối thủ. Số quái khi được đánh lên bàn, nếu không được sử dụng ít nhất một lần trước khi bị đối thủ giải quyết sẽ không hoàn trả giá trị của nó.
Như vậy lời khuyên lớn nhất mình có thể đưa ra cho phần này là: NẾU lựa chọn nhà để đánh bài trên tay và không (hoặc ít) dùng quái trên sân MÀ bạn không check hoặc khiến delta của địch thấp hơn mình, thì lựa chọn đó khả năng cao là sai. Một số tình huống hiếm hoi khác sẽ là: bạn cần tìm câu trả lời cho tương lai, hoặc bạn cần tránh effect disrupt như Control the Weak.
– Giữ card hay không giữ card? Trong phần tối ưu hóa này mình sẽ nói tiếp về một câu hỏi muôn thuở, kể cả khi sau này bạn đánh nhiều hơn, câu hỏi này cũng rất khó để trả lời. Kiểu như bạn đã có thể xử lý một tình huống thua chắc nếu giữ lá bài này trên tay, hoặc vì một lá bài nằm trên tay quá lâu dẫn đến thua. Bạn sẽ đặt câu hỏi: nếu bạn giữ nó/đánh nó đi thì liệu kết quả có khác không? Thường bạn sẽ được khuyên là không nên giữ quá lâu một lá bài này. Theo một cách giải thích dễ hiểu, mỗi lá bài bạn đánh được mà không đánh (hoặc discard) gần tương đương với 1 chain ở cuối lượt. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy 3 lượt như vậy là 3 chain. Nếu phân tích kỹ hơn, bạn biết chắc lá bài này nó sẽ giải quyết một tình huống quan trọng mà địch sẽ tạo ra, vậy thì việc bạn có nên giữ nó không sẽ phụ thuộc vào bạn nghĩ bao nhiêu chain bạn sẽ phải chịu cho đến lúc đó. Nếu lá bài này là cách duy nhất của bạn cho tình huống đó và còn lâu lắm bạn mới cycle lại deck thì nó có thể đáng để giữ.
Vậy câu trả lời mà mình nghĩ tốt nhất có thể đem lại là: trong đa số các tình huống, việc giữ card thường sẽ gây bất lợi cho bạn. Còn chính xác từng card và từng tình huống như thế nào, câu trả lời chỉ có thể do bạn trả lời sau khi đánh đủ nhiều deck của mình.
– Giảm delta của địch. Tuy tất cả mọi người sẽ nói với bạn về chuyện Keyforge là game kinh tế chứ không phải game đánh nhau (kể cả mình cũng nói vậy). Nhưng đó là một cách mô tả đơn giản vấn đề, trên thực tế nó cần phải phân tích cụ thể hơn. Nếu trên bàn ưu thế thuộc về bạn, địch không có mối đe dọa nào thì việc reap luôn là chính xác. Nhưng sẽ có những lúc bạn cần phải xem xét đến khả năng kiếm aember của địch. Mục tiêu của bạn sẽ khiến delta của địch không được quá 2 (kiếm 2 aember một lượt). Ví dụ bạn đoán trên tay địch có lá bài của một nhà và trên bàn địch của hai quái của nhà đó, vậy thì chưa tính đến aember trên card, khả năng kiếm aember của địch đã là 2+ rồi. Với cách suy nghĩ như vậy, bạn sẽ có thể tự đưa ra câu trả lời cho các tình huống nên reap hay fight hay một cách nào khác. Giảm thiểu hiệu quả 1 house của địch để khiến địch phải chọn nhà khác cũng là một chiến thuật hiệu quả.


CÁC GIAI ĐOẠN TRONG GAME

Thường các bạn học tập làm văn hồi xưa các bạn cũng biết nó sẽ gồm 3 phần là mở bài, thân bài và kết bài. Keyforge cũng có 3 giai đoạn tương tự là early, mid và late game. Tuy nhiên cần phải lưu ý là ở Keyforge, giai đoạn của game và giai đoạn của mỗi người chơi là khác nhau. Một người chơi có thể đã chuẩn bị đập key 3 và một người vẫn còn đang ở key 1, vậy game đang ở giai đoạn nào?
– Early: Ở giai đoạn đầu game, chưa có thứ gì đã được setup lên bàn. Chưa có board, chưa có artifact và cũng không có nhiều reap xảy ra (vì chưa có quái). Ở giai đoạn này, việc setup thường quan trọng hơn việc kiếm aember. Bạn cũng sẽ có nhiều thời gian để setup hơn khi đối phương cũng chưa đưa ra nhiều áp lực. Ví dụ như bạn có Library Access và bạn muốn kéo thêm vài lượt để có một lượt LA hiệu quả hơn, ở giai đoạn này cho phép bạn có thể làm thế.
Một số deck sẽ tỏa sáng trong giai đoạn early này, điển hình là các deck rush mùa 1. Vì những deck như thế này không cần setup để có thể kiếm aember ổn định. Những deck này thậm chí có thể thắng game trước khi đối phương tới mid game.
Tuy nhiên, nếu một trong hai người chơi có một hand đẹp, 1 lượt đánh xuống 3 con quái, lượt sau lại đánh tiếp 2 quái thì lúc này nó đã không còn là early game nữa rồi.
– Mid: Khi một trong hai bên đối thủ đã có board, thì mid game diễn ra. Trong giai đoạn này, bạn sẽ phải suy nghĩ đến chuyện giải quyết các vấn đề đối thủ đưa ra. Bạn sẽ không nhất thiết phải tiêu diệt toàn bộ quái trên bàn địch, nhưng bạn sẽ cần giải quyết các key card trên bàn của địch. Tuy dùng board để tính mid game, nhưng một lá bài clear board sẽ không đưa game trở về early game. Nếu lúc đó đã đến key 2 thì khả năng game thậm chí còn đã đi vào late game rồi.
Ở mid game, thậm chí các deck rush cũng bắt đầu phải xem xét xử lý các key card của địch. Combo deck ở giai đoạn này thường sẽ tỏa sáng, bởi vì nếu thu đủ những lá bài trong combo, thậm chí có khi late game còn không diễn ra.
– Late: Giai đoạn này thường sẽ nhận biết khi có một người chơi có thể kết thúc game. Một combo deck đã có đủ thứ họ cần, một deck rush đã có thể tới key cuối, hoặc một board mạnh mẽ có thể vừa kiếm aember vừa cản đối phương, họ sắp thắng game rồi.
Giai đoạn này rất quan trọng, lúc này mỗi tài nguyên đều rất quan trọng. Mọi lượt của bạn đều phải được đánh như đây là lượt cuối cùng, vì nhiều khả năng nó sẽ như thế thật. Ví dụ như bạn biết địch có Keycharge, bằng mọi giá bạn phải đánh để lượt sau địch không thể kiếm được 7 aember. Ở giai đoạn này, ưu tiên hàng đầu của bạn sẽ luôn là: không để địch forge key và check đủ aember. Nếu địch chưa check, ưu tiên của bạn sẽ là phải check ở cuối lượt.


Bài viết đến đây là hết. Ở đây mình bao quát khá đủ (mình nghĩ vậy) nhiều yếu tố quan trọng trong khi chơi Keyforge. Hy vọng có thể giúp ích cho các bạn. Happy forging 😀

Trả lời